close

71% doanh nghiệp ngành gỗ đã bị sụt giảm đơn hàng xuất khẩu

04.10.2022

Kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản tháng 7/2022 ước đạt 1,41 tỷ USD, giảm 5,5 % so với tháng 6 năm 2022 và giảm 1,6 % so với cùng kỳ năm 2021. Có tới 44% doanh nghiệp ngành gỗ cho rằng doanh thu sẽ giảm khoảng 40% trong cả năm 2022…

Doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ đang gặp khó khăn.

Nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm này chủ yếu do giá nguyên liệu sản xuất, chi phí vận chuyển tăng mạnh; các quốc gia thắt chặt chính sách tín dụng do lạm phát có xu hướng tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh… Những vấn đề trên được nêu lên tại Hội nghị Giao ban ngành Gỗ quý 3/2022, do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phối hợp với Tổng cục Lâm Nghiệp tổ chức ngày 28/7.

XUẤT KHẨU SUY GIẢM MẠNH TẠI THỊ TRƯỜNG HOA KỲ

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, cho biết các thị trường chính xuất khẩu gỗ của Việt Nam như Hoa Kỳ, châu Âu, Anh đang lạm phát và trải qua sự sụt giảm về nhu cầu rất lớn. Điều này hiện đang tác động tiêu cực trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành hiện nay, cho chúng ta thấy một bức tranh về thị trường rất ảm đạm.  

Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, cho hay giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản tháng 7 ước đạt 1,41 tỷ USD, giảm 5,5 % so với tháng 6 năm 2022 và giảm 1,6 % so với cùng kỳ năm 2021.

"Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ giảm 4,9% do chính sách thắt chặt tín dụng để kìm hãm lạm phát tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm. Xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc tăng trưởng mạnh, trên 13%, do xuất khẩu dăm gỗ và viên nén tăng. - theo ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp"

Lũy kế 7 tháng năm 2022, xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 10,42 tỷ USD, tăng 1,3 % so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,72 tỷ USD, tăng 1,2%; xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ đạt 0,7 tỷ USD, tăng 2,6 %.

Trong khối gỗ và sản phẩm gỗ: dăm gỗ 1,4 tỷ USD, tăng 29,8%; viên nén gỗ 0,45 tỷ USD, tăng 78,5%; ván các loại 0,91 tỷ USD, tăng 22,1%; sản phẩm gỗ 6,97 tỷ USD, giảm 6,9%.

Về thị trường 7 tháng, gỗ và lâm sản xuất khẩu sang 110 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Hoa Kỳ đạt trên 5,84 tỷ USD, giảm 4,9 % so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, gỗ và sản phẩm gỗ 5,58 tỷ USD, giảm 5,1% (ván các loại 347 triệu USD, tăng 29,8%, trong đó: ván dán 314 triệu USD, tăng 29.2 %; sản phẩm gỗ 5,02 tỷ USD, giảm 10,6 %); lâm sản ngoài gỗ 0,25 tỷ USD, giảm 0,6 %.

Xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 1,04 tỷ USD, tăng 19,4 % so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó: gỗ và sản phẩm gỗ 999 triệu USD, tăng 20,4% (dăm gỗ 371  triệu USD, tăng 31,7 %; viên nén gỗ 177 triệu USD, tăng 66,5; ván các loại 58 triệu USD, tăng 14,5 %; sản phẩm gỗ 392 triệu USD, tăng 0,4 %); lâm sản ngoài gỗ 36 triệu USD, giảm 2 %. 

Xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 1,161 tỷ USD, tăng 23,8 % so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ 1,15 tỷ  USD, tăng 22,9 % (dăm gỗ 1,01 USD, tăng 36,7 %; gỗ tròn, xẻ 12 triệu USD, giảm 44 %; ván các loại 89 triệu USD, giảm 21,3%; sản phẩm gỗ 33 triệu USD, giảm 43,3%); lâm sản ngoài gỗ 15 triệu USD tăng 164,2 %.

Xuất khẩu sang EU 726 triệu USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ 549 triệu USD, giảm 2,0%; lâm sản ngoài gỗ 177 triệu USD, tăng 10,6 %.

Xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 623 triệu USD, tăng 13.0 % so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó: gỗ và sản phẩm gỗ 604 triệu USD, tăng 13.1 % (dăm gỗ 44  triệu USD, tăng 10,8%; viên nén gỗ 257 triệu USD, tăng 71,8%; ván các loại 139  triệu USD, tăng 7,3%, trong đó: ván dán đạt 156 triệu USD, giảm 0,9 %; sản phẩm gỗ 122 triệu USD, giảm 32,4%); lâm sản ngoài gỗ 19 triệu USD, tăng 7,9%.

Một số mặt hàng có tăng trưởng xuất khẩu cao như dăm gỗ, tăng 29,8%; viên nén tăng 78% do nhu cầu thế giới tăng cao; giá xuất khẩu các mặt hàng này cũng tăng cao, đạt trung bình 170 USD/tấn, tăng hơn 30% so với cùng kỳ 2021. 

DOANH NGHIỆP NGÀNH GỖ ĐANG RẤT KHÓ KHĂN

Đối với nguồn cùng nguyên liệu từ gỗ rừng trồng trong nước, ông Bùi Chính Nghĩa nêu vấn đề: “Hiện nay do nhu cầu sản xuất dăm gỗ và viên nén tăng, dẫn đến giá thu mua tăng cao, trên 30% nên các chủ rừng có xu hướng chặt rừng non (rừng trồng 3-4 tuổi), dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu gỗ cho chế biến các loại sản phẩm gỗ”.

Nhóm nghiên cứu của các Hiệp hội gỗ và Forest Trends vừa thực hiện khảo sát nhanh về tình hình tăng giảm doanh thu xuất khẩu của các doanh nghiệp ngành gỗ trong quý 2/2022. Trình bày báo cáo kết quả khảo sát, TS Tô Xuân Phúc – Chuyên gia của Forest Trends, cho biết nhóm nghiên cứu đã khảo sát nhanh tại 52 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đồ gỗ.

Trong 45 doanh nghiệp hiện xuất khẩu đi Mỹ có 33 doanh nghiệp cho biết doanh thu xuất khẩu trong quý 2 đã giảm, với mức giảm bình quân gần 39,6%% so với các tháng đầu năm. Chỉ có 10 Doanh nghiệp cho biết doanh thu tăng so với các tháng trước đó, tuy nhiên mức tăng rất nhỏ, bình quân tăng 11%; còn lại là 2 doanh nghiệp không phản hồi.

Xu thế tương tự đối với thị trường EU, trong số 38 doanh nghiệp tham gia thị trường này có tới 24 doanh nghiệp cho biết doanh thu quý 2 sụt giảm, với mức giảm bình quân trên 41% so với các tháng trước đó. Chỉ có 4 doanh nghiệp cho biết nguồn thu tăng, ở mức bình quân tăng 14%; còn lại là 11 doanh nghiệp không phản hồi.

Tại thị trường Anh, trong 25 doanh nghiệp tham gia thị trường này thì 17 doanh nghiệp thông báo có nguồn thu giảm, ở mức trên 41%; chỉ có 4 doanh nghiệp có doanh thu xuất khẩu tăng, với mức tăng bình quân 14%; còn lại 6 doanh nghiệp không phản hồi.

Có 28 doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ vào các thị trường Đông Nam Á, Úc, Newzealn. Trong đó, có 16 doanh nghiệp giảm doanh thu với mức giảm bình quân 22.15%, có 4 doanh nghiệp tăng doanh thu với mức tăng bình quân 64,8%; và 8 doanh nghiệp không phản hồi.

“Các doanh nghiệp hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn về vốn, chi phí cho người lao động, nguyên liệu đầu vào. Nhiều doanh nghiệp cũng đang tiến hành các biện pháp giảm thiểu khắc phục, bao gồm giảm quy mô sản xuất, chuyển đổi mặt hàng, chuyển đổi thị trường và một số biện pháp khác”, ông Tô Xuân Phúc nhấn mạnh.

"Khoảng 71% doanh nghiệp cho biết tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, với tình hình thị trường như hiện nay, 44% doanh nghiệp cho rằng nguồn thu của doanh nghiệp sẽ giảm khoảng 40% trong cả năm 2022. - theo TS. Tô Xuân Phúc, Chuyên gia của Forest Trends.''

“Các doanh nghiệp hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn về vốn, chi phí cho người lao động, nguyên liệu đầu vào. Nhiều doanh nghiệp cũng đang tiến hành các biện pháp giảm thiểu khắc phục, bao gồm giảm quy mô sản xuất, chuyển đổi mặt hàng, chuyển đổi thị trường và một số biện pháp khác”, ông Tô Xuân Phúc nhấn mạnh.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị các ngân hàng có chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp ngành gỗ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Cụ thể, đề nghị giãn nợ, giảm lãi suất; gia hạn các khoản vay đến hạn; cho vay tồn kho, tín chấp; tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Hiệp hội đề nghị Bộ Tài chính có chính sách về thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp ngành gỗ: giảm, chậm thu thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm tiền thuê đất; hoàn thuế giá trị gia tăng nhanh nhất nhằm trả vốn cho doanh nghiệp.

Phía Tổng cục Lâm nghiệp cũng đưa ra đề nghị với các hiệp hội ngành gỗ, nên khuyến cáo đến các doanh nghiệp cần cập nhật thông tin thị trường thường xuyên (đánh giá, hội thảo, báo cáo…). Kiến nghị các doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số, cải tiến công nghệ; liên kết nhằm giảm giá thành; tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường.

Theo Chu Khôi

 Vneconomy

 

expand_less
 
phone