close

Giá dăm gỗ tăng cao, ngành lâm nghiệp lo người dân bán gỗ non

04.10.2022

Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) lo ngại giá dăm gỗ tăng cao sẽ khiến người dân sẽ bán gỗ non và điều này ảnh hưởng đến chiến lược sản xuất gỗ lớn.

Đó là vấn đề được ông Nguyễn Văn Diện, Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp nêu ra tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của Tổng cục Lâm nghiệp và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 9,1 tỉ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, các thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản chính của Việt Nam gồm Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc chiếm trên 90% tổng giá trị xuất khẩu.

Cũng theo thống kê, xuất khẩu lâm sản sang Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tăng 10%, trong khi xuất khẩu sang Mỹ giảm 2%.

Ông Nguyễn Văn Diện cho rằng, kết quả xuất khẩu lâm sản ấn tượng nhưng 6 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn khi tiếp tục chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và xung đột quân sự Nga - Ukraine. Theo ghi nhận đến nay, nhiều doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, thậm chí có doanh nghiệp đã ngừng sản xuất.

Chi phí logistics và giá nguyên vật liệu đều tăng cao khiến chi phí đầu vào của các doanh nghiệp biến động mạnh đang làm yếu đi lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu lâm sản, nhất là trong những tháng “nước rút” từ nay đến cuối năm.

Giá nguyên liệu gỗ phục vụ chế biến tăng cao khiến ngành lâm nghiệp lo lắng người dân sẽ bán gỗ non ảnh hưởng đến chiến lược sản xuất gỗ lớn

Đặc biệt, ông Diện nhấn mạnh, giá nhiều nguyên liệu trong ngành đã tăng cao chỉ trong thời gian ngắn. Điển hình là dăm gỗ ở thời điểm đầu năm nay giá chỉ có 130 USD/tấn nhưng đến giữa năm đã tăng vọt lên 180 USD/tấn.

“Giá dăm gỗ dù cao nhưng chúng ta cũng không vui, điều này đặt ra nhu cầu về nguyên liệu chế biến và người dân sẽ bán gỗ non sẽ ảnh hưởng đến chiến lược sản xuất gỗ lớn của chúng ta", ông Diện bày tỏ.

Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị cho rằng, trong bối cảnh nhiều nguyên liệu nhập khẩu có giá tăng cao, liên tục biến động thì cần khuyến khích các doanh nghiệp chủ động sử dụng nguyên liệu trong nước, đặc biệt là gỗ rừng trồng. Các doanh nghiệp kết hợp sản xuất các sản phẩm phụ trợ để từ hạ giá thành phục vụ cho chế biến.

Để tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu lâm sản 6 tháng cuối năm, ông Nguyễn Quốc Trị cho biết, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ sớm họp bàn với các hiệp hội, doanh nghiệp để triển khai các hợp đồng đã ký và tìm các giải pháp để xúc tiến xuất khẩu đến các thị trường mới.

Tổng cục Lâm nghiệp dự báo 6 tháng cuối năm, kim ngạch xuất khẩu lâm sản của Việt Nam sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU sẽ tăng mạnh trở lại, khi các thị trường dần nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Cũng theo Tổng cục Lâm nghiệp, mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản cả năm là trên 16,3 tỉ USD.

Theo Thanh Niên

 

expand_less
 
phone