close

Chứng nhận nguồn gốc bằng sổ đỏ ‘cản đường’ gỗ rừng trồng xuất khẩu

04.10.2022

Quy định hộ trồng rừng phải xuất trình giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) trong hồ sơ khai thác nhưng thực tế nhiều diện tích chưa được cấp sổ đỏ khiến gỗ rừng trồng không thể chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Doanh nghiệp buộc phải “lách luật” để hợp pháp hóa

Ngày 16.9, tại Hà Nội, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) phối hợp Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Vietfores) tổ chức hội thảo bàn về tính pháp lý của gỗ nguyên liệu rừng trồng tại Việt Nam.

Một trong những vấn đề được thảo luận nhiều nhất tại hội nghị là bất cập giữa các quy định pháp luật không những gây khó khăn cho doanh nghiệp mà còn đặt ngành gỗ Việt Nam đứng trước nhiều rủi ro ở thị trường xuất khẩu.

Chia sẻ kết quả khảo sát đánh giá tác động của các quy định đối với các doanh nghiệp đang sản xuất, xuất khẩu sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng, ông Tô Xuân Phúc, đại diện Tổ chức Forest Trend, cho biết một trong những bất cập của Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT là các hộ có rừng trồng phải lập bảng kê lâm sản, hồ sơ khai thác trong đó bao gồm các thông tin về địa danh, giấy chứng nhận sử dụng đất, hoặc quyết định cho thuê đất, giao đất.

Nhưng thực tế nhiều hộ gia đình được giao đất trồng rừng đã lâu nhưng đến nay chưa được cấp sổ đỏ. Trong số các các doanh nghiệp được khảo sát đang có chuỗi liên kết với các hộ trồng rừng, chỉ có 40% được cấp sổ đỏ, 60% còn lại chưa được cấp sổ đỏ.

Các sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam có sử dụng nguyên liệu từ gỗ rừng trồng đang đối mặt với nhiều rủi ro khi không đủ bằng chứng chứng minh về tính hợp pháp.

Bên cạnh đó, ở nhiều địa phương, việc giao đất cho các hộ được thực hiện từ trước năm 1990, ở thời điểm đó, chủ hộ là người đứng tên sổ đỏ. Nhưng đến nay, nhiều chủ hộ đã mất, chưa thực hiện chuyển nhượng lại cho con cái. Gỗ được con cái trồng trên diện tích rừng của bố mẹ, ông bà trước đây cũng thiếu bằng chứng pháp lý để xác định chủ thể hợp pháp đối với rừng trồng.

“Thiếu sổ đỏ cũng đồng nghĩa với việc nhiều hộ không có bằng chứng pháp lý để minh chứng pháp lý là chủ thể hợp pháp của nguồn đất trồng rừng”, ông Phúc nói.

Ngoài ra, một số diện tích đất trồng rừng do người dân tự khai hoang; lấn chiếm vào diện tích quản lý của các công ty lâm nghiệp, chính quyền địa phương quản lý. Chính quyền địa phương không thể công nhận là chủ thể hợp pháp đối với đất này cũng là trường hợp thiếu bằng chứng pháp lý xác nhận tính hợp pháp của gỗ.

Một bất cập khác cũng được đưa ra thảo luận tại hội nghị là quy định doanh nghiệp xuất khẩu được hoàn thuế giá trị gia tăng (10%) nhưng để được hoàn thuế thì phải xuất trình đầy đủ bằng chứng pháp lý trong giao dịch với chủ thể nguồn cung gỗ nguyên liệu hoặc sản phẩm gỗ đầu vào. Các bằng chứng này bao gồm hợp đồng mua bán giữa 2 bên, hồ sơ lâm sản đính kèm sản phẩm, hóa đơn tài chính và một số giấy tờ liên quan.

Nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào lớn như dăm gỗ, viên nén xuất khẩu, rất khó để kiểm tra các bằng chứng pháp lý trong các giao dịch của chuỗi cung gỗ rừng trồng. Cụ thể, cá nhân và đơn vị tham gia khâu trung gian trong chuỗi cung ứng hoạt động tự phát, không đăng ký kinh doanh, hoặc có đăng ký kinh doanh nhưng không khai báo và nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân theo các Thông tư 216 và Thông tư 92 của Bộ Tài chính.

Theo đó, một số đơn vị trong khâu trung gian tìm cách mua hóa đơn, chứng từ đầu vào cho gỗ nguyên liệu nhưng việc “hợp pháp hóa” và gian lận nguồn gốc xuất xứ này không chỉ gây thất thoát thu thuế cho ngân sách mà còn gây rủi ro cho cả ngành gỗ xuất khẩu của Việt Nam.

3 bộ sẽ họp gỡ tắc pháp lý gỗ rừng trồng
Bày tỏ quan điểm tại hội thảo, đại diện Bộ Công thương cho rằng, sản phẩm gỗ xuất khẩu đang chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhiều thị trường xuất khẩu hiện nay đòi hỏi doanh nghiệp phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ hàng hóa để được hưởng thuế quan ưu đãi.

Trong đó, nhiều thị trường xuất khẩu quy định trong vòng 5 năm, hải quan nước nhập khẩu vẫn có quyền yêu cầu truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Nhưng hiện nay, gỗ rừng trồng đang gặp khó khăn trong xác định tính pháp lý là điểm rất bất lợi.

“Nếu sản phẩm gỗ xuất khẩu không chứng minh được tính hợp pháp về nguồn gốc nguyên liệu thì khi có các cuộc điều tra, yêu cầu xác minh lại từ phía nước nhập khẩu mà doanh nghiệp không chứng minh được thì thiệt hại không những doanh nghiệp mà toàn ngành sẽ thiệt hại rất lớn”, đại diện Bộ Công thương cảnh báo.

Đại diện nhiều doanh nghiệp kiến nghị sớm sửa đổi quy định pháp luật bất cập để công nhận gỗ rừng trồng là hợp pháp, đảm bảo phát triển bền vững cho ngành gỗ Việt Nam.

Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Vietfores, Việt Nam có khoảng 4,4 triệu ha rừng trồng, hàng năm đang cung cấp khoảng trên dưới 30 triệu m3 gỗ quy tròn. Đây là nguồn gỗ có vai trò quan trọng nhất trong các cung gỗ đầu vào cho nhiều doanh nghiệp trong ngành, bao gồm doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ; doanh nghiệp sử dụng gỗ rừng trồng làm đồ gỗ nội địa.

Các doanh nghiệp xuất khẩu dăm, viên nén và ván ép, ván bóc. Nguồn gỗ này đang tạo ra công ăn việc làm cho hàng triệu lao động.

Nhưng các vướng mắc, bất cập về quy định của pháp luật đang khiến các doanh nghiệp có sản phẩm gỗ xuất khẩu sử dụng gỗ rừng trồng gặp khó khăn trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng. Trong đó, nguyên nhân chính dẫn đến ách tắc là việc xác định nguồn gốc gỗ rừng trồng và tính pháp lý trong giao dịch ở các khâu trung gian trong chuỗi cung.

“Tôi đã báo cáo với Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh và được đồng ý, Bộ NN-PTNT chủ trì tổ chức buổi làm việc, có mời đại diện của Bộ Công thương, Bộ Tài chính để họp ngay trong tháng 9 này để sớm tháo gỡ ách tắc trong chứng nhận pháp lý gỗ rừng trồng”, ông Lập nói.

Theo Thanh Niên

expand_less
 
phone