close

Chiến sự Nga - Ukraine tác động ra sao đến xuất nhập khẩu gỗ của Việt Nam?

04.10.2022

Các doanh nghiệp gỗ Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với doanh nghiệp các nước khác về nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt ở thị trường EU và Mỹ, do tác động từ chiến sự Nga - Ukraine.

Ngành gỗ thế giới chịu tác động nghiêm trọng

Đó là cảnh báo của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) trong báo cáo mới công bố đưa ra nhận định về tác động của chiến sự Nga - Ukraine đến xuất nhập khẩu gỗ của Việt Nam.

Theo VIFOREST, Nga không phải thị trường cung gỗ nguyên liệu quan trọng của Việt Nam. Năm 2021, kim ngạch nhập khẩu gỗ từ Nga đạt khoảng 55 triệu USD, tương đương 2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ nguyên liệu.

Xuất khẩu gỗ Việt Nam dự báo sẽ chịu nhiều sức ép cạnh tranh

Bên cạnh đó, còn có một lượng nhỏ gỗ có nguồn gốc từ Nga được nhập khẩu vào Việt Nam qua Trung Quốc, chủ yếu ở dạng sản phẩm là gỗ xẻ và veneer. Bình quân mỗi năm, Việt Nam nhập trên 70.000 m3 gỗ xẻ từ Trung Quốc gồm gỗ bạch dương, gỗ dương, gỗ phong vàng, gỗ sồi và gỗ thông.

Về xuất khẩu gỗ, Nga hiện là thị trường rất nhỏ tiêu thụ gỗ từ Việt Nam. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường này chỉ khoảng 7,3 triệu USD, tương đương 0,05% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ của Việt Nam ra thế giới. Các sản phẩm xuất khẩu vào Nga chủ yếu là ghế ngồi và đồ gỗ nội thất.

Nga đang là quốc gia cung cấp một lượng lớn gỗ nguyên liệu cho thị trường thế giới. Ước tính mỗi năm, lượng gỗ khai thác của Nga khoảng 200 triệu m3, tương đương 10% lượng cung toàn cầu. Nga cũng là nguồn cung gỗ xẻ lớn nhất trên thế giới và đứng thứ 7 về giá trị xuất khẩu gỗ.

Các quốc gia EU và Anh đang phải nhập một lượng lớn gỗ xẻ từ Nga. Theo ước tính trong năm 2021, EU và Anh đã nhập khẩu từ Nga trên 2,7 triệu m3, tương đương 16% tổng lượng gỗ xẻ Nga xuất khẩu trong cùng năm.

Theo đó, VIFOREST cho rằng, các lệnh cấm vận kinh tế mà EU, Mỹ công bố áp dụng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine sẽ khiến lượng gỗ nguyên liệu khổng lồ quốc gia này bị sụt giảm hoặc bị mất đi trong tương lai sẽ khiến nguồn cung gỗ nguyên liệu toàn cầu sẽ bị tác động nghiêm trọng.

Gỗ Việt phải cạnh tranh khốc liệt hơn

Theo VIFOREST, Việt Nam đang phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, với lượng nhập khoảng 5 - 6 triệu m3 gỗ quy tròn mỗi năm và sẽ chịu tác động rất lớn khi nguồn cung gỗ nguyên liệu khổng lồ từ Nga cho thị trường thế giới giảm hoặc mất đi trong tương lai.

VIFOREST nhận định, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với các doanh nghiệp các nước khác về nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt ở các thị trường cung gỗ nguyên liệu quan trọng cho Việt Nam là EU và Mỹ. Giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu gia tăng, làm giảm lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước trên trường quốc tế.

Nhìn ở góc độ tích cực, VIFOREST cho rằng, nguồn cung từ Nga thiếu hụt có thể làm hình thành các nhu cầu mới về các loài gỗ thay thế cho các loài trước đó được nhập từ Nga. Trong đó, nguồn gỗ keo rừng trồng của Việt Nam có thể trở thành một trong những nguồn gỗ thay thế.

Nếu điều này xảy ra, các doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ phải cạnh tranh với các doanh nghiệp đặc biệt từ Trung Quốc về việc tiếp cận với nguồn gỗ rừng trồng ngay tại Việt Nam.

VIFOREST cảnh báo, trong bối cảnh sức ép từ các tổ chức môi trường và xã hội đối với luồng cung gỗ từ Nga ngày càng gia tăng, nỗ lực duy trì một luồng cung gỗ từ Nga, bao gồm cả việc tiếp cận luồng cung này thông qua nguồn nhập từ Trung Quốc, có thể gây ra rủi ro không chỉ riêng cho các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam mà còn có thể đem lại rủi ro cho hình ảnh của cả ngành gỗ Việt Nam.

Theo Thanh Niên


expand_less
 
phone