close

Doanh nghiệp ngành gỗ chuẩn bị phục hồi trong bối cảnh bình thường mới

09.11.2021

Sáng 29/10, tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chủ trì Hội nghị trực tuyến "Doanh nghiệp ngành gỗ chuẩn bị phục hồi trong bối cảnh bình thường mới”. Tham dự Hội nghị có ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), Tổng cục Lâm nghiệp, các đại sứ quán và hơn 300 doanh nghiệp tại các tỉnh thành.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh tại Hội nghị trực tuyến

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra 2 năm nay, đặc biệt là đợt bùng phát thứ 4 tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngành chế biến, xuất khẩu gỗ cả về sản xuất lẫn xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành gỗ vẫn giữ được mức tăng trưởng khá cao và đóng góp kim ngạch xuất khẩu đáng kể trong nhóm mặt hàng nông lâm thủy sản.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, trong thời gian qua, đại dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế nước ta, đặc biệt là khu vực phía Nam, nơi có nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản. Theo báo cáo, trong thời điểm giãn cách, số lượng công nhân hạn chế, năng suất làm việc giảm đáng kể, công suất sản xuất chỉ bằng 20-25% so với trước khi giãn cách. Cùng với đó, chi phí nguyên vật liệu và vận chuyển cả trong nước và quốc tế đều tăng cao là thách thức lớn đối với doanh nghiệp. 

Đến nay, về cơ bản là Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh, rất nhiều doanh nghiệp đã rất nỗ lực để thích ứng với giai đoạn khó khăn này. Cụ thể một số doanh nghiệp vẫn giữ mối liên hệ thường xuyên với đối tác, cung cấp thông tin tình hình sản xuất để khách hàng yên tâm về khả năng đáp ứng đơn hàng khi tình dịch tiến triển tốt hơn. Chính vì vậy, khi hoạt động sản xuất được khôi phục, doanh nghiệp không quá lo lắng về vấn đề đơn hàng. Bộ NN&PTNT sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đồng thời các doanh nghiệp cần phát huy sự chủ động xây dựng kịch bản phát triển thích ứng với diễn biến dịch, hướng đến việc không chỉ giữ các thị trường xuất khẩu truyền thống mà còn đảm bảo các đơn hàng của đối tác từ nay đến cuối năm cũng như sang năm sau; vừa đảm bảo sản xuất, đảm bảo an toàn, vừa tận dụng những lợi thế, cơ hội mở rộng thị trường toàn cầu và có nhu cầu cao về đồ gỗ như hiện nay.

Doanh nghiệp gỗ đang nỗ lực để quay trở lại sản xuất an toàn.

Theo số liệu báo cáo tại Hội nghị từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ ước đạt 11,14 tỷ USD, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản - 3 thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2021 - chiếm 79,8% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Trong 8 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng tại tất cả các thị trường. Trong đó, thị trường có giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng mạnh nhất là Malaysia, tăng 75,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Đỗ Xuân Lập, chủ tịch Hiệp hội cho biết, đến thời điểm hiện nay, khoảng 90% số công nhân tại các doanh nghiệp gỗ đã được tiêm vắc xin, 10% còn lại chủ yếu tập trung tại các vùng ngoài dịch, lượng vắc-xin chưa được phân bổ đến hoặc do công nhân về quê tránh dịch chưa quay lại làm việc. Cùng với việc dịch bệnh đã dần được kiểm soát nên nhiều địa phương đã “từng bước mở cửa” và cho phép mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa bàn trong trạng thái bình thường mới. Bên cạnh đó, Chính phủ đã có chủ trương cho doanh nghiệp “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, trong đó có mục tiêu “đảm bảo sự thống nhất thực hiện theo quy định, hướng dẫn của các bộ ngành đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong kiểm soát tình hình dịch bệnh, tạo điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của nhân dân dần trở lại tình trạng bình thường mới; không để tình trạng cục bộ, ban hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội...

Theo ông Bùi Chính Nghĩa, phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiêp, Bộ NN&PTNT đã có những báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành các chính sách hỗ trợ, chỉ đạo trong phòng chống dịch bệnh tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp ổn định sản xuất. Đồng thời, tổ chức hội nghị giao ban ngành chế biến gỗ và lâm sản với các hiệp hội chế biến gỗ và lâm sản để cùng nhau thống nhất các giải pháp ổn định và phát triển sản xuất, kiên định mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2021 và những năm tiếp theo.

MH (mard.gov.vn)

expand_less
 
phone