close

Loạt chuyển biến mới, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đã có đơn hàng hết quý 1/2022

09.11.2021

Nhiều địa phương từng bước "mở cửa" trở lại, các doanh nghiệp cũng bắt đầu khôi phục hoạt động sản xuất, thị trường thế giới đang phục hồi với nhiều hiệp định và thỏa thuận hỗ trợ, xuất khẩu gỗ và đồ gỗ lạc quan trở lại...

Xưởng sản xuất gỗ - Ảnh minh họa

Sau đà khởi sắc nửa đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm đồ gỗ liên tiếp suy giảm bởi làn sóng COVID-19 xẩy ra, giãn cách xã hội kéo dài tại nhiều tỉnh thành. Tình hình đang dần khả quan hơn và nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng lấp đầy đến quý 1 năm tới.

Chuỗi sụt giảm kéo dài

Do ảnh hưởng dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong nước và tại các quốc gia châu Á, các doanh nghiệp ngành gỗ phải đối mặt với tình trạng ngưng trệ sản xuất, hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã giảm tốc từ tháng 7 đến nay.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 7/2021 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm 14,4%, trong đó sản phẩm gỗ giảm 16,4%. 

Tháng 8, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục giảm rất mạnh đến 39,1% so với tháng 7/2021, riêng sản phẩm gỗ giảm đến 49,1%, đặc biệt là mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ - nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu chính giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. 

Sang tháng 9, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 701,23 triệu USD, trong đó, sản phẩm gỗ đạt 422 triệu USD, tiếp tục giảm 19,6% so với tháng trước.

Cộng dồn 9 tháng, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 11,11 tỷ USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm 2020, nhờ quãng khởi sắc đầu năm. Trong đó, xuất khẩu các sản phẩm gỗ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao và ước đạt 8,42 tỷ USD, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm ngoái.  

Đến cuối tháng 9, nhiều địa phương đã nới lỏng giãn cách, tình hình sản xuất hàng hoá đang dần phục hồi trở lại. Kinh tế thế giới đang dần phục hồi nhờ tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 ngày càng tăng. Kinh tế phục hồi, nhu cầu thành lập doanh nghiệp sẽ tăng tại nhiều thị trường lớn trên thế giới là yếu tố thúc đẩy nhu cầu đồ nội thất văn phòng tăng nhanh trong các tháng cuối năm. 

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ qua các tháng năm 2020 - 2021

(ĐVT: Tỷ USD)

Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu 

Động lực từ thị trường Hoa Kỳ 

Top 5 thị trường xuất khẩu xuất khẩu đồ nội thất văn phòng của Việt Nam, gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Anh và Hàn Quốc.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (XNK) - Bộ Công Thương, xuất khẩu đồ nội thất văn phòng giảm liên tiếp trong hai tháng 7 và tháng 8 tháng. Qua tháng 9, xuất khẩu đồ nội thất văn phòng tiếp tục giảm 43,8% so với tháng 9/2020 và đạt 18 triệu USD.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu đồ nội thất văn phòng ước đạt 347,5 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trong 8 tháng đầu năm 2021, thị trường Hoa Kỳ là điểm đến số 1 của đồ nội thất văn phòng và đạt 204,9 triệu USD, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 61,9% tổng trị giá xuất khẩu đồ nội thất văn phòng của cả nước.

Tiếp theo, đồ nội thất văn phòng còn xuất khẩu tới các thị trường khác như Nhật Bản đạt 50,9 triệu USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý, ngày 1/10, Việt Nam ký thỏa thuận với Hoa Kỳ về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp. Việc ký thỏa thuận này sẽ góp phần nâng cao uy tín của ngành gỗ Việt Nam, làm nền tảng cho phát triển lâm nghiệp bền vững, phục vụ lợi ích cho người dân và doanh nghiệp hai nước.

Mặc dù là thị trường sản xuất đồ nội thất bằng gỗ lớn trên toàn cầu, nhưng nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này tại Trung Quốc vẫn khá cao. Trong 8 tháng đầu năm nay, Trung Quốc nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ Việt Nam đạt 60,5 triệu USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 9% tổng giá trị nhập của thị trường này.

Xuất khẩu đồ nội thất văn phòng của Việt Nam

năm 2020 – 2021 (ĐVT: Triệu USD)

Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu 

Nhiều thuận lợi phía trước

Những biến chuyển trong kế hoạch phòng chống đại dịch của Chính phủ, từ nỗ lực đạt “zero COVID-19” đến chấp nhận “sống chung với COVID-19”, đã gỡ khó cho hơn 4.500 doanh nghiệp ngành gỗ và nội thất Việt Nam quay lại sản xuất.

Một chuyên gia kinh tế nhận định, cuối năm 2021 đầu năm 2022, làn sóng chuyển đổi cơ cấu tăng tỷ trọng xuất khẩu nhóm các mặt hàng có giá trị gia tăng, giảm tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng nguyên liệu gỗ có giá trị thấp dự kiến sẽ diễn ra mạnh mẽ.

Đáng chú ý, động lực tăng trưởng tiếp theo của ngành sẽ đến từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ tháng 8/2020 cũng giúp các nhà xuất khẩu gỗ Việt Nam gia tăng thị phần của mình tại các quốc gia thuộc khối châu Âu.

Cùng với đó, lộ trình các FTA song phương và đa phương như: Hiệp định CPTPP, RCEP và các FTA song phương với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc góp phần gỡ bỏ hàng rào thuế quan, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ nay tới cuối năm và đầu năm 2022 rất khả quan, bởi các thị trường xuất khẩu chính như Hoa Kỳ và các nước EU đang bắt đầu trong quá trình phục hồi sau dịch COVID-19.

Theo đó, xuất khẩu đồ nội thất văn phòng của Việt Nam sẽ tăng trưởng khả quan nhờ dịch trong nước đã được kiểm soát, nhu cầu trên thị trường thế giới tăng; nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết năm và thậm chí đến hết quý 1/2022.

expand_less
 
phone