TTO - Nếu tính cả nhóm hàng nội ngoại thất và trang trí mỹ nghệ, Việt Nam đã xuất khẩu được 10 tỉ trong nửa đầu 2021, tăng 70% so với cùng kỳ. Khả năng chống chịu và phục hồi của Việt Nam sau đại dịch cũng được các nhà mua hàng quốc tế đánh giá cao.
Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết trong bối cảnh nhu cầu đặt hàng của các nhà thu mua quốc tế tăng cao, phục vụ cho thị trường mua sắm cuối năm ở các quốc gia, các doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ đang nỗ lực tăng tốc các hoạt động sản xuất.
Theo số liệu của Bộ Công thương, công nghiệp nội thất, các thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, Anh, Pháp, Hà Lan đều tăng ở mức khoảng 50% so với cùng kỳ, vì vậy cơ hội cho quốc gia cung ứng sản phẩm chế biến gỗ như Việt Nam đang rộng mở.
Tại hội thảo trực tuyến Chiến lược phục hồi chuỗi cung ứng công nghiệp nội thất Việt Nam - Vietnam Furniture Supply Chain Recovery Plan vừa diễn ra mới đây, bà Bùi Thanh An - phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, cho biết các nhà thu mua quốc tế đều đánh giá cao khả năng chống chịu của ngành gỗ Việt Nam.
"Trong 2 năm trở lại đây, khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, doanh nghiệp nội thất Việt Nam đã cho thấy khả năng chống chịu rất tốt. Hoạt động hỗ trợ, định hướng của các tổ chức ngành nghề cũng rất tích cực", bà An nhận định.
Số liệu ghi nhận từ bộ này, nếu tính cả nhóm hàng nội ngoại thất và trang trí mỹ nghệ, Việt Nam đã xuất khẩu được 10 tỉ USD trong nửa đầu năm 2021 và tăng 70% so với cùng kỳ 2020.
Ông Benjamin Petlock - tùy viên cao cấp nông nghiệp, Đại sứ quán Hoa Kỳ - cho biết thị trường Mỹ đón nhận rất tích cực sản phẩm nội thất Việt Nam. Mối quan hệ thông thương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, một cung ứng nguyên liệu gỗ hợp pháp và một cung ứng sản phẩm nội thất chất lượng cao, ngày càng phát triển trong những năm gần đây.
"Ở cả hai phía, thị trường xuất khẩu lẫn nhập khẩu đều lớn và có khả năng mở rộng trong thời gian tới", ông Benjamin Petlock nhận xét.
Các chuyên gia cho rằng ảnh hưởng từ dịch bệnh đang gây nên những xáo trộn nhất định cho chuỗi cung ứng toàn cầu, từ việc giá vận chuyển đến việc tăng giá nguyên liệu. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng sẽ nhanh chóng thiết lập lại được trật tự của nó khi các quốc gia đã nhận thức và có chiến lược sống chung với COVID-19 rõ ràng hơn.
Theo HAWA, nhiều doanh nghiệp cho đây là cơ hội nên đã không ngừng tìm kiếm phương án thích nghi với điều kiện mới, từ việc giữ chân người lao động, tìm kiếm ổn định nguồn cung nguyên liệu đến cả việc ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại để giảm thiểu phụ thuộc nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng sản phẩm...